Hội thảo thực trạng công tác chế biến và sử dụng xỉ gang thép ở Việt Nam
Ông Nguyễn Văn Sưa, Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, ngành công nghiệp gang thép của Việt Nam những năm gần đây phát triển với tốc độ mạnh. Hiện nay trên cả nước có 10 lò cao luyện gang thép đang vận hành. Dự kiến năm 2018, sản lượng gang đạt 7 triệu tấn và tới năm 2020 đạt 13 triệu tấn; thép thô năm 2018 là 14 triệu tấn,năm 2020 là 20 triệu tấn. Trong quá trình sản xuất gang, thép sẽ sản sinh ra khối lượng xỉ lò cao rất lớn, năm 2018 là hơn 4 triệu tấn, dự kiến đến năm 2020, con số này có thể nâng lên hơn 7 triệu tấn.
Tại nhiều quốc gia, xỉ gang thép được coi là sản phẩm phụ của ngành gang thép hoặc một loại tài nguyên, là nguyên liệu quan trọng trong sản xuất xi măng măng, vật liệu làm cốt đường giao thông, chế tạo phân bón… Song ở Việt Nam vẫn coi đây là chất thải thông thường. Hiện chỉ có một số doanh nghiệp chú ý đến vấn đề tái chế, sử dụng xỉ gang thép.
Như vậy, ở nước ta còn nhiều dư địa để ngành gang, thép cung cấp xỉ cho ngành công nghiệp xi măng phục vụ cho sản xuất. “Sử dụng xỉ gang thép trong sản xuất xi măng mang lại hiệu quả kép về kinh tế và môi trường. Để sản xuất 1 tấn xi măng với nguyên liệu thông thường sẽ thải ra khoảng 0,8 tấn CO2, nếu chúng ta dùng xỉ làm nguyên liệu trong sản xuất xi măng thì lượng CO2 thải ra khoảng 0,3 tấn. Chúng ta đang tìm mọi cách để giảm phác thải CO2. Vì vậy đây là kết quả rất to lớn với môi trường”, ông Nguyễn Văn Sưa nhấn mạnh.
Nhấn mạnh tới hiệu quả của việc tái sử dụng xỉ gang thép, ông Nguyễn Quang Cung, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam cũng cho rằng, ngành công nghiệp gang thép có thể tận dụng sản phẩm này vừa bảo vệ môi trường, vừa nâng cao hiệu quả.
Vũ Dung/Báo Quân đội Nhân dân